Các bác sĩ khuyến cáo bệnh thận đang có xu hướng trẻ hóa, người trẻ cần quan tâm hơn đến sức khỏe - Ảnh: THU HIẾN

Việt Nam đối diện với hai làn sóng suy thận

Nhập Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) trong tình trạng suy thận phải cấp cứu, anh T.N. (40 tuổi) không nghĩ mình còn trẻ nhưng đã bị suy thận giai đoạn cuối.

Chưa thể tìm được nguồn thận để ghép, định kỳ mỗi tuần anh phải đi lọc máu chạy thận ba ngày.

"Từ nhỏ đến lớn tôi chưa đi khám sức khỏe định kỳ lần nào. Bệnh ập đến tôi không nghĩ mình còn trẻ đã suy thận khi đang là trụ cột trong gia đình phải nuôi 3 con nhỏ", anh N. trải lòng.

Theo thống kê của khoa thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ.

Trong đó có khoảng 60 bệnh nhân dưới 35 tuổi (chiếm 15%), chủ yếu những bệnh nhân này đến vào giai đoạn cuối.

PGS Nguyễn Bách - trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết đa phần những bệnh nhân lần đầu tiên phát hiện suy thận đều vào bệnh viện chạy thận cấp cứu.

Đáng nói hiện nay bệnh thận đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân 16 - 17 tuổi đã suy thận phải chạy thận. Mặc dù là bệnh viện lão khoa nhưng hiện nay tỉ lệ suy thận trẻ tại Bệnh viện Thống Nhất là 20%, đối với một số bệnh viện khác có thể lên đến 60-70%.

"Mỗi lần giao lưu với các đoàn quốc tế đến thăm một số trung tâm lọc máu, phản xạ đầu tiên là họ đặt câu hỏi tại sao nhiều người trẻ Việt phải chạy thận như thế này? Tại Nhật Bản, bệnh lý thận ở người trẻ đã "thanh toán" từ năm 1990.

Lý do họ có chương trình tầm soát quốc gia bằng cách đến trường học để tầm soát bệnh lý thận, xét nghiệm nước tiểu nếu có bất thường sẽ chuyển về trung tâm để các chuyên gia đánh giá tìm hướng điều trị.

Hiện nay các nước chủ yếu "thanh toán" suy thận do bệnh lý đái tháo thường và tăng huyết áp. Chúng ta đang phải đối diện với hai làn sóng là suy thận ở người trẻ và suy thận ở người có bệnh lý đái tháo đường và tăng huyết áp", bác sĩ Bách cho hay.

Làm thế nào để phòng ngừa suy thận?

Giải thích nguyên nhân, bác sĩ Bách cho hay hiện nay người trẻ rất chủ quan với bệnh lý suy thận trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc men bừa bãi, hóa chất.

Đáng nói, nhiều người suy thận "oan" do khi mắc bệnh tự ý mua thuốc uống mà không thăm khám hoặc có chỉ định của bác sĩ hoặc uống những loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.

"Ngày Thận học thế giới đưa ra thông điệp, để dự phòng bệnh thận hãy khởi đầu ngày làm việc bằng cách uống 300ml nước lọc. Đây cũng là 1 trong 8 nguyên tắc vàng để phòng ngừa bệnh thận.

Đồng thời, trong quá trình đi tiểu chú ý quan sát màu sắc nước tiểu, nếu nước tiểu có màu đỏ bất thường cần phải đi khám ngay, nếu nước tiểu màu vàng tức uống chưa đủ nước", bác sĩ Bách khuyến cáo.

8 nguyên tắc vàng để phòng ngừa bệnh thận

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết có 8 nguyên tắc vàng phòng ngừa bệnh thận:

1. Tập thể dục: Điều này có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng, giảm huyết áp và nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.

2. Ăn uống lành mạnh: Giúp duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng, phòng các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim và các tình trạng khác liên quan đến bệnh thận mạn tính.

3. Kiểm soát lượng đường trong máu: Khoảng một nửa số người mắc bệnh đái tháo đường bị tổn thương thận, tuy nhiên điều này có thể được ngăn chặn hay hạn chế nếu bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt.

4. Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao có thể làm hỏng thận.

5. Uống đủ nước: Thông thường, khoảng 2 lít nước mỗi ngày cho một người khỏe mạnh trong điều kiện khí hậu dễ chịu. Lưu ý lượng chất lỏng nạp vào có thể cần phải được điều chỉnh nếu mắc bệnh thận, tim hoặc gan.

6. Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm chậm lưu lượng máu đến thận. Khi lượng máu đến thận ít hơn, nó có thể làm giảm khả năng hoạt động bình thường của thận. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư thận khoảng 50%.

7. Không uống thuốc chống viêm/giảm đau thường xuyên: Các loại thuốc thông thường như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) hay thuốc giảm đau (ví dụ ibuprofen) có thể gây hại cho thận nếu dùng thường xuyên.

8. Kiểm tra chức năng thận nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao: các yếu tố này bao gồm có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh thận.